Học sinh nghỉ học, giáo viên bị cắt thi đua là quá vô lý


 Đa số việc nghỉ học không phải do lỗi của giáo viên, nên giáo viên bị cắt thi đua khi học sinh nghỉ học là điều không nên.

Hiện nay áp lực cho nhà giáo rất lớn, trong đó có những áp lực hợp lý để giáo viên cố gắng hơn, học tập nâng cao trình độ hơn, tu dưỡng và rèn luyện tốt hơn,… để giảng dạy và giáo dục tốt hơn, đây là các áp lực có lợi cho giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên có những áp lực hết sức vô lý áp đặt lên giáo viên, làm cho giáo viên vô cùng bức xúc đó chính là những áp lực về chạy theo thành tích ảo hay áp lực duy trì sĩ số, áp lực học sinh giỏi,…

Trong bài viết xin được bàn về một chỉ tiêu hết sức bất cập và vô lý đó chính là việc học sinh nghỉ học (chỉ tiêu duy trì sĩ số), giáo viên bị cắt thi đua, bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa: Nhandan.com.vn)

Những lý do chính khiến học sinh bỏ học

Từng đi dạy nhiều năm, bản thân đúc kết kinh nghiệm thấy rằng hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học, dù nhà trường tìm mọi cách giữ lại nhưng các em vẫn bỏ học, tuy nhiên người viết cho rằng có 2 nguyên nhân chính đó là:

Thứ nhất, do gia đình không quan tâm.

Đây phải được xem là nguyên nhân đầu tiên, đa số các em bỏ học đều do hoàn cảnh gia đình, gia đình thiếu quan tâm. Gia đình là cái gốc, nhiều gia đình bỏ mặc học sinh muốn học, muốn nghỉ gì mặc kệ, xem việc học là của trường, nên khi học sinh bỏ học khi giáo viên đến vận động thì gia đình mặc kệ, và cho nghỉ. Đây là các trường hợp rất khó vận động.

Một số trường hợp khác nghỉ học do không sống cùng bố, mẹ (do ly hôn hoặc do lý do khác) nên cũng không được quan tâm, dễ bỏ học.

Gia đình đã không quan tâm, học sinh không thiết tha học thì việc vận động sẽ vô cùng khó khăn.

Thứ hai, học sinh học quá kém do hậu quả của việc chạy theo các chỉ tiêu thành tích.

Hiện nay, do áp lực chỉ tiêu thành tích nên học sinh hầu như lên lớp gần 100% dẫn đến nhiều em học quá yếu kém, học mà không có kiến thức căn bản, không theo kịp bài,… nên dẫn đến quá chán nản và dẫn đến bỏ học, vì nếu không bỏ học thì có học tiếp cũng không thể biết được gì, không được lợi gì khi mỗi ngày đến lớp một cái đầu trống rỗng.

Đây cũng không hẳn là do lỗi của học sinh, đây là lỗi của áp lực chỉ tiêu thành tích, lỗi của chương trình quá nặng kiến thức hàn lâm, nếu có chỉ tiêu rõ ràng cụ thể, học sinh phải đạt hoặc bồi dưỡng đạt thì mới được học chương trình tiếp theo thì sẽ không có học sinh “ngồi nhầm lớp”, sẽ không có áp lực chỉ tiêu thành tích “khủng khiếp” như hiện nay và chắc chắn sẽ có ít học sinh bỏ học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét